Hiểu và làm tốt công tác dân vận

Thứ tư - 17/10/2018 07:14 802 0

Cách đây 69 năm, Bác Hồ đã viết bài “Dân vận” đăng trên báo Sự Thật, số 120, ngày 15/10/1949. 69 năm đã trôi qua, bài báo vẫn còn nguyên giá trị và vô cùng thiết thực đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Bài báo nêu rõ bản chất, nhiệm vụ, phương hướng công tác dân vận và trách nhiệm, tác phong của cán bộ, đảng viên đối với công tác vận động nhân dân.

trao ky niem chuong
Đ/c Huỳnh Tấn Việt - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao kỷ niệm chương
vì sự nghiệp dân vận cho cán bộ, công chức Ban Dân vận Tỉnh ủy (ảnh Bá Vĩnh)

Ngày 14/10/1999, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã quyết định lấy ngày 15/10 hàng năm là Ngày dân vận của cả nước. Hành động có ý nghĩa thiết thực nhất trong Ngày dân vận của cả nước hằng năm là mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải học lại bài báo “Dân vận” của Bác Hồ và vận dụng vào công việc hàng ngày. Trong bài báo “Dân vận”, Bác Hồ đã chỉ rõ: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể đã giao cho”. Như vậy, đối tượng của công tác dân vận là nhân dân, mục tiêu của công tác dân vận là mục tiêu chung của cách mạng.

Thấm nhuần truyền thống văn hóa, truyền thống yêu nước, tư tưởng “nước lấy dân làm gốc” của cha ông ta trong lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cao vai trò của công tác dân vận, xem đó là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Trong bài báo “Dân vận”, Bác Hồ đã nêu lên một mệnh đề mang tính chân lý: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Người chỉ rõ những nội dung chính của công tác dân vận, đó là:“Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”. Về phương thức dân vận, Người chỉ dẫn:“Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ. Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được. Điểm thứ hai là bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành. Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân. Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”. Đối với phong cách người cán bộ làm công tác dân vận, Bác Hồ đúc kết thành 12 từ ngắn gọn nhưng rất sâu sắc, thiết thực và đầy đủ, đó là: “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”.

Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn coi công tác dân vận có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng; là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng và củng cố, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Công tác dân vận là trách nhiệm của tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị, của mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, của cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang. Những nhiệm vụ cụ thể của công tác dân vận mà nghị quyết của Đảng đã chỉ ra có thể nói gọn là: Nghe được dân nói; nói cho dân hiểu; làm cho dân tin. Thực chất công tác dân vận là tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Những năm qua, Đảng bộ tỉnh Phú Yên đã chú trọng lãnh đạo về công tác dân vận có trọng tâm, trọng điểm. Các cơ quan tham mưu của Đảng về dân vận, các tổ chức chính trị - xã hội, các cấp ủy xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai và bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về vai trò, vị trí và trách nhiệm của hệ thống chính trị đối với công tác dân vận. Các cấp chính quyền tổ chức thực hiện tốt sự chỉ đạo của cấp ủy về công tác dân vận, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, đối thoại trực tiếp, kịp thời giải quyết nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội không ngừng đổi mới phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, gần dân; tích cực vận động đoàn viên, hội viên, quần chúng thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước, địa phương; tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời tham mưu, phối hợp giải quyết những kiến nghị của nhân dân, thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội.

Những nỗ lực trong công tác dân vận của hệ thống chính trị trong toàn tỉnh đã góp phần củng cố mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; tăng cường và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện tại công tác dân vận còn một số hạn chế: Một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm lãnh đạo công tác dân vận; công tác dân vận chính quyền một số nơi chưa tốt, còn để đơn thư khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài; việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chưa theo kịp với thực tiễn cuộc sống; một số phong trào thi đua chưa thiết thực, hiệu quả thấp… Do đó, để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, trong thời gian tới, công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh cần tập trung vào một số nhiệm vụ và giải pháp sau:

Thứ nhất: Chủ động tham mưu cấp ủy thường xuyên quán triệt, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của công tác dân vận trong tình hình mới; làm cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nắm vững các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ công tác dân vận. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định khác của Đảng về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo và thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Thứ hai: Tăng cường công tác dân vận của các cấp chính quyền, các cơ quan nhà nước, làm tốt công tác dân vận theo đúng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân đều phải phụ trách dân vận”. Mỗi cán bộ, đảng viên đều phải có trách nhiệm nâng cao nhận thức, sự hiểu biết về công tác vận động nhân dân, đặc biệt là những ngành, những đơn vị có quan hệ trực tiếp với dân. Thực hiện tốt việc công khai các quy định, các tiêu chuẩn cụ thể về trách nhiệm và thái độ phục vụ nhân dân để nhân dân biết và kiểm tra việc thực hiện. Tổ chức tốt việc tiếp dân và giải quyết kịp thời những đơn thư khiếu nại, tố cáo của dân; cán bộ, đảng viên cơ quan chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu thực hiện đối thoại với nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Thứ ba: Tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trong vận động, tập hợp và xây dựng phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân. Phát động phong trào thi đua "Dân vận khéo" gắn với xây dựng nông thôn mới; xây dựng quê hương Phú Yên xanh, sạch, đẹp; cổ vũ các mô hình, điển hình tiên tiến; phát huy vai trò người tiêu biểu trong cộng đồng dân cư; chăm lo và bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Công tác dân vận cần hướng mạnh về cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo, vùng đặc biệt khó khăn để trực tiếp giúp đỡ nhân dân và tuyên truyền vận động nhân dân phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Thứ tư: Đổi mới phương thức vận động quần chúng trong tình hình mới. Ban Dân vận các cấp phải bám sát nội dung, chương trình hành động của cấp ủy, chính quyền để chủ động tham mưu thực hiện công tác vận động và chăm lo lợi ích của nhân dân, xem đây là nội dung chủ yếu trong hoạt động của mình theo tiêu chí “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Đồng thời Ban Dân vận các cấp phải có kế hoạch thường xuyên tìm hiểu tình hình đời sống, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và chủ động đề xuất cấp ủy có chủ trương, biện pháp xử lý đúng đắn, kịp thời những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.Trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, để làm tốt công tác dân vận, mỗi cán bộ, đảng viên của tỉnh nhà cần thấm nhuần và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh:“Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Phạm Thị Lệ Thanh – Ban Dân vận Tỉnh ủy Phú Yên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây