Đang truy cập: 17
Hôm nay: 1,657
Hôm qua: 1,368
Tháng hiện tại: 30,590
Tháng trước: 115,498
Tổng lượt truy cập: 1,213,156
- Đang truy cập17
- Hôm nay1,657
- Tháng hiện tại30,590
- Tổng lượt truy cập1,213,156
Bài 2: Không để bào mòn sự liêm chính và nuôi dưỡng mầm mống tiêu cực
Một trong những tính cách người Việt được nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra là coi trọng hình thức bên ngoài, mong được người khác biết đến theo tâm lý “một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp”.
Đặc điểm đó có thể làm cho con người rèn luyện tính chỉn chu hơn, nhưng cũng có thể dẫn tới tính cách thích phô trương, khoe khoang, thiếu thực chất, dễ làm tốn của, hao tiền của chính mình.
Nhiều lễ lạt hình thức, lãng phí
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, khóa XI, ngày 7-2-2012 Văn phòng Trung ương Đảng đã gửi Công văn số 2430-CV/VPTW đến các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị đề nghị không được treo khẩu hiệu “Nhiệt liệt chào mừng…” ở ngoài và trong nơi làm việc của lãnh đạo với địa phương, đơn vị. Dù đây chỉ là việc nhỏ, nhưng việc kiên quyết cắt bỏ câu khẩu hiệu hình thức này trong hoạt động lễ tân từng tồn tại hàng chục năm trước đó, chứng tỏ các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước ta đã thể hiện tinh thần, tác phong làm việc giản dị, gần dân. Vì vậy việc làm này được nhân dân đồng tình.
Việc tổ chức lễ tân, hội họp, lễ khởi công, lễ kỷ niệm… là một phần không thể thiếu trong hoạt động công vụ của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương. Những năm qua, việc duy trì hoạt động này đã đi vào nền nếp hơn, nhưng nhiều nơi vẫn chưa ngăn ngừa, chấm dứt được tình trạng lễ lạt phô trương, lãng phí.
Điều dễ nhận thấy của bệnh phô trương là trong lễ động thổ, lễ phát động trồng cây dịp Tết ở nhiều địa phương, cơ quan, tổ chức. Trong những sự kiện ấy, nhiều quan chức đi giày bóng lộn, đeo găng tay trắng và cầm cán xẻng cuốn giấy xanh đỏ lòe loẹt rồi hất đất tượng trưng vào nơi động thổ hay vào gốc cây đã được trồng sẵn. Trong phiên họp đầu xuân về tình hình và kết quả thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW của Ban Bí thư về tổ chức Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, khi đề cập đến chuyện trồng cây dịp Tết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: “Làm sao cho nó thiết thực, cứ cầm cái xẻng nghêu ngao, cầm ra lút cán, trông là người ta biết ông này không phải là trồng cây. Gẩy gẩy mấy tí đất, chân thì đi giày, xong lại đưa cái khăn với chậu nước, nó phản cảm quá”.
Cách đây 12 năm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 226/2006/TTg ngày 10-10-2006 về việc quy định tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công và lễ khánh thành công trình xây dựng, trong đó yêu cầu hàng đầu của việc tổ chức các buổi lễ này phải bảo đảm thực hành tiết kiệm, không phô trương hình thức. Nhưng vào cuối tháng 10-2009, chỉ riêng việc phục vụ lễ khởi công dự án Cảng Quốc tế Vân Phong (Khánh Hòa) đã tiêu tốn hơn 4,1 tỷ đồng. Việc “bạo tay” chi tiền cho một lễ khởi công dự án là biểu hiện nổi cộm của bệnh “siêu phô trương”.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong, không ngẫu nhiên mà có nơi lại thích tổ chức lễ lạt hoành tráng. Vì có tổ chức quy mô lớn các buổi lễ, các cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp này mới có cơ hội “vẽ” ra chi “khoản này”, phí “khoản nọ” vừa dễ thu lợi cho cơ quan và một số cá nhân, vừa dễ bề “hợp thức hóa” việc chi tiêu ngân sách.
Trong dịp kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống công nhân vùng mỏ (12-11-2016), dư luận không khỏi bất ngờ trước việc 70 tỷ đồng đã được chi để làm 12 vạn logo kỷ niệm chương tặng cán bộ, viên chức, công nhân, người lao động trong ngành. Việc tặng quà này được cho là phô trương, lãng phí vì trong bối cảnh ngành than đang đối mặt với tình trạng giảm sản lượng và thu nhập thực tế của người lao động cũng bị sụt giảm.
Những ngày cuối tháng 6-2018 vừa qua, dư luận không ngớt ồn ào về việc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa dự khái toán 104 tỷ đồng chi cho các hoạt động kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa. Dù đây mới chỉ là dự chi, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu văn hóa thẳng thắn cho rằng, trong khi Thanh Hóa có tới 6 huyện thuộc diện nghèo nhất nước, hằng năm phải xin Trung ương trợ cấp gạo cứu đói cho một bộ phận người dân nghèo lúc giáp hạt, thì việc khái toán một khoản chi lớn như vậy cho các hoạt động lễ kỷ niệm là có phần phô trương, không phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương này.
Lợi dụng lễ lạt hoành tráng vừa để khoe khoang thành tích, vừa để bòn rút ngân sách Nhà nước không còn là chuyện lạ, mà là hậu quả tất yếu từ căn bệnh ưa hình thức, thích phô trương để một bộ phận cán bộ, công chức thông đồng với nhau nhằm làm những việc thiếu minh bạch, lợi ích nhóm. Thế nên, người ta nói bệnh phô trương là “anh em sinh đôi”, là “người bạn song hành” của tham nhũng, lãng phí vì lẽ ấy. (TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế).
Họp hành nhiều gây tốn kém
Nhằm chấn chỉnh việc họp hành tràn lan, cách đây 6 năm, ngày 21-12-2012 Ban Bí thư Trung ương Đảng, khóa XI đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW “Về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, trong đó quy định: “Không tổ chức các cuộc họp không thật sự cần thiết. Việc tổ chức hội nghị phải bảo đảm chất lượng, tiết kiệm; thành phần tham dự thiết thực, gọn nhẹ; nội dung họp phải thật sự cần thiết, chuẩn bị kỹ, phát biểu ngắn gọn, có trọng tâm; khắc phục tình trạng phát biểu dài dòng, sáo rỗng. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tiến tới tổ chức họp trực tuyến trong chỉ đạo, điều hành và xử lý công việc”.
Họp là một trong những chế độ cần thiết trong hoạt động công vụ để góp phần làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu các cấp. Thế nhưng thời gian qua, nhiều nơi vẫn tổ chức họp hành triền miên chứng tỏ bệnh hình thức, phô trương còn khá phổ biến. "Điển hình" là trong 7 tháng đầu năm 2017, 4 cán bộ trong Ban giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh được mời dự tới hơn 2.000 cuộc họp, bình quân mỗi lãnh đạo phải họp 3 đến 4 cuộc/ngày, đấy là chưa kể các cuộc họp đột xuất, phát sinh. Tương tự trong thời gian này, cán bộ chủ chốt của Sở Quy hoạch-Kiến trúc TP Hồ Chí Minh cũng phải dự hơn 1.500 cuộc họp. Trước thực trạng các sở, ngành, quận, huyện của địa phương tổ chức họp hành quá nhiều, tháng 9-2017, lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh giao cho Sở Nội vụ thành phố xây dựng đề án nhằm tiết giảm các cuộc họp ở các cơ quan hành chính trên địa bàn, tạo điều kiện cho cán bộ dành nhiều thời gian đi cơ sở, nắm tình hình thực tế.
TS Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho hay, khi còn đương chức, mỗi năm ông nhận được hơn 400 giấy mời họp. Theo thống kê, mỗi ngày 8 tiếng làm việc hành chính cả nước có gần 3.000 cuộc họp, ngân sách chi tiêu cho hội họp mất khoảng 1,5 tỷ đồng mỗi ngày. Như vậy, nếu tính cả năm có tổng thời gian làm việc hành chính là 260 ngày, thì mỗi năm ngân sách đã phải chi tới 390 tỷ đồng cho các cuộc họp. Đấy là chưa tính các cuộc họp đột xuất, phát sinh trong giờ nghỉ, ngày nghỉ!
Theo Đại tá, TS Nguyễn Hữu Phúc, Chủ nhiệm Khoa Nhà nước và Pháp luật (Học viện Chính trị), việc tổ chức họp đến mức “bội thực” như vậy vừa gây tốn kém thời gian, lãng phí nhân lực, ngân sách, vừa dễ làm trì trệ thêm bộ máy. Ở các nước có nền quản trị hiện đại, người ta rất hạn chế các cuộc họp không cần thiết, vì cán bộ, công chức cứ theo luật, theo quy định mà làm đúng chức phận, trách nhiệm, công việc của mình. Còn ở nước ta, có nơi vẫn duy trì nhiều họp hành vì hai lẽ, một mặt do cơ chế lãnh đạo tập thể chưa được vận dụng, thực hiện một cách khoa học nên phải dựa vào các cuộc họp để lấy ý kiến tập thể; mặt khác, người đi họp dễ có thêm thu nhập do nhiều cuộc họp có thù lao! Tuy nhiên, nếu bận họp, phải họp hành nhiều quá cũng là một trong những nguyên nhân làm cho cán bộ lãnh đạo dễ bị “xơ cứng” hóa tư duy, ít bắt nhịp với hơi thở cuộc sống sôi động ở cơ sở, từ đó dễ mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh hành chính, xa rời quần chúng
“Muốn có một thể chế thật sự lành mạnh, một nền công vụ hiện đại, chuyên nghiệp, vận hành thông suốt, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì cần tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó nhất định phải tiết giảm, loại bỏ các cuộc họp không cần thiết; tăng cường các cuộc họp trực tuyến; đồng thời tiếp tục đổi mới lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, công chức. Đặc biệt, cần phải đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong việc ra quyết định, chỉ đạo, quản lý, điều hành, điều phối các hoạt động của cơ quan, đơn vị nhằm tránh tình trạng dựa dẫm, ỷ lại vào tập thể để tổ chức họp hành quá nhiều mà công việc vẫn không trôi chảy” (Đại tá, TS Nguyễn Hữu Phúc, Chủ nhiệm Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị)
Phản cảm lối sống phô trương
Đội ngũ cán bộ, đảng viên là tấm gương của thể chế và soi chiếu vào đời sống xã hội. Lối sống của cán bộ, đảng viên thuộc phẩm chất, cá tính của mỗi người, song lại bộc lộ qua những hành vi cụ thể của họ trong sinh hoạt, cuộc sống hằng ngày. Cán bộ, đảng viên có lối sống gần dân hay xa dân, giản dị hay phô trương đều không qua được hàng ngàn, hàng vạn con mắt của nhân dân.
Phần đông cán bộ, đảng viên đã có ý thức, trách nhiệm rèn luyện đạo đức cách mạng, giữ gìn lối sống giản dị, lành mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân. Theo xu thế phát triển, khi đất nước giàu lên, cán bộ, đảng viên sẽ có điều kiện cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của mình. Một khi cán bộ, đảng viên có chí tiến thủ, nỗ lực vượt khó, cống hiến, làm giàu bằng tài năng, sức lực, trí tuệ của bản thân thì họ xứng đáng được thụ hưởng thành qua lao động của mình.
Tuy nhiên, thời gian qua, một bộ phận cán bộ, đảng viên đã chưa biết làm giàu chân chính, mà lại còn có biểu hiện sa đà vào lối sống phô trương, xa hoa. Phát biểu trong Hội nghị xúc tiến đầu tư tại tỉnh Sơn La tổ chức tháng 7-2017, sau khi kêu gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp hướng về miền núi đầu tư, hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển cho các tỉnh vùng cao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ trăn trở khi nghe các thông tin về một bộ phận cán bộ, đảng viên có lối sống phô trương, gây phản cảm dư luận.
Nếu có phẩm chất giản dị, liêm chính, một số quan chức, như: Phó trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Đắc Lắc, Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước Sóc Trăng… đã không “lách luật” rồi tự ý xây dựng những công trình tư gia hoành tráng trên hàng nghìn mét vuông đất lâm, nông nghiệp. Ngoài ra còn có con một số quan chức như con trai nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương xây dựng khu nhà vườn hoành tráng trên đất nông nghiệp ở huyện Ninh Giang; con gái của một cán bộ nguyên lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước sở hữu một biệt phủ rộng hơn 2.000m2 ở huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh)…
Theo ông Hà Hữu Đức, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Nghiên cứu (Ủy ban Kiểm tra Trung ương), có những cán bộ, công chức, đảng viên khi ở vị trí thấp thì sống giản dị, tiết kiệm, hòa đồng với cuộc sống của những người lao động xung quanh, nhưng khi giữ chức vụ cao hơn, họ dễ thay đổi lối sống. Sau những giờ làm việc hành chính ở công sở, một số cán bộ có chức quyền đã về trú ngụ ở những ngôi biệt thự to đẹp; hay nhiều khi lui tới những sân tennis đẳng cấp, những nhà hàng, khách sạn sang trọng, những khu resort nổi tiếng… thì họ đâu còn thời giờ mà tiếp xúc, gần gũi với bà con? Khi sa đà vào lối sống phô trương, cán bộ, đảng viên vô hình trung cổ vũ, tiếp tay cho lối sống xa hoa, làm cho khoảng cách giàu-nghèo doãng ra, khoét sâu thêm sự bất công trong xã hội.
(còn nữa)
THIỆN VĂN
Nguồn: qdnd.vn
Ý kiến bạn đọc
Đang truy cập: 17
Hôm nay: 1,657
Hôm qua: 1,368
Tháng hiện tại: 30,590
Tháng trước: 115,498
Tổng lượt truy cập: 1,213,156